Đô thị Việt Nam: 60 năm đồng hành cùng ngành Xây dựng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), thực dân pháp phải rút khỏi Việt Nam và hòa bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam. Khi ấy miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ, bởi đất nước còn bị chia cắt thành hai miền Bắc - Nam.  




Hà Nội năm 1954 (Ảnh Bảo tàng) 

Sau một thời gian ngắn tiếp quản Thủ đô, Bộ Giao thông Công chính có quyết định tách làm 2 Bộ: Bộ giao thông Vận tải và Bộ Thủy lợi - Kiến trúc. Chủ trương lúc đó nhằm tập hợp các kiến trúc sư đi theo kháng chiến về Bộ Thủy lợi - Kiến trúc để thành lập Nha Kiến trúc. Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Ninh được chỉ định làm Giám đốc Nha, KTS Nguyễn Cao Luyện làm Phó Giám đốc. Tổng cộng toàn miền Bắc lúc đó chỉ có 18 KTS, thì tập trung về Nha đến 14 người và hơn mười cán bộ can họa. Lực lượng của nha tuy nhỏ bé nhưng phải đảm nhiệm một trọng trách rất lớn là thiết kế, cải tạo, phát triển xây dựng, phục hồi các đô thị và điểm dân cư nông thôn toàn miền Bắc. Tập thể kiến trúc sư lúc đó còn rất bỡ ngỡ về phương hướng phát triển các đô thị xã hội chủ nghĩa. Năm 1956, do nhu cầu phát triển rất nhanh chóng của công việc nên tổ chức đã nghiên cứu thành lập Phòng Đô thị trong Nha và bổ nhiệm KTS Hoàng Như Tiếp phụ trách... 
Vào thời kỳ đó thế giới chia làm 2 phe rõ rệt. Do tình hình lúc đó đất nước còn bị chia cắt, chiến tranh còn âm ỉ và có nguy cơ bùng nổ nên xây dựng đô thị phải gắn với chiến lược quốc phòng, không phát triển xây dựng quá tập trung các công trình trọng điểm, không phát triển các công trình trọng điểm ven biển và dọc biên giới mà phải đưa sâu vào đất liền. 
Phương châm chung về quy hoạch đô thị thời ký đó là: Phục vụ công nghiệp, phục vụ sản xuất; Phục vụ đời sống của đông đảo nhân dân lao động và kết hợp với yêu cầu quốc phòng.
Phương châm chung về quy hoạch nông thôn là: Phục vụ sản xuất nông nghiệp; Phục vụ đời sống của đông đảo nhân dân lao động.
Phương châm thiết kế công trình kiến trúc là: Tiện dụng, bền vững và đẹp trong điều kiện có thể.
Để chuẩn bị bước vào thời kỳ phát triển kinh tế, xây dựng công nghiệp và phát triển đô thị ở miền Bắc, nhiều tổ chức mới lần lượt được hình thành. Năm 1958 Bộ Thủy lợi và Kiến trúc được tách thành 2 Bộ: Bộ Thủy lợi và Bộ Kiến trúc, là tiền thân của Bộ Xây dựng ngày nay.

Nét xưa trong lòng Hà Nội (Ảnh: Zing.vn)
Ngày 29/8/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về mở rộng TP Hà Nội theo kế hoạch dài hạn. Phát biểu khai mạc hội nghị, Người nêu rõ: “Mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời (mưa, gió, nắng…), địa lợi (địa chất, sông, hồ…) và nhân hòa (lợi ích của nhân dân, của Chính phủ…). Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia…
Ngày 16/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Ban Bí thư thảo luận về những công trình lớn trong quy hoạch của TP Hà Nội và mở rộng ngoại thành. Phát biểu trong Hội nghị, Người căn dặn trong thiết kế phải đồng bộ (đường xá, hệ thống thoát nước, lưới điện…), tránh cản trở sự đi lại của nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi và phải thực hiện nhanh - nhiều - tốt - rẻ.
Lời dặn dò, chỉ đạo của Bác ngày ấy đã trở thành hành trang cho những nhà kiến trúc, xây dựng, quy hoạch đô thị của Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) ngay từ năm đầu tiên khi vừa được thành lập.

Phố xưa, nhà cổ Hà Nội (Ảnh Bảo tàng)
Thời kỳ này quy hoạch xây dựng đô thị dựa trên lý thuyết Khu nhà ở với 3 cấp phục vụ tổ chức theo tầng bậc và các mẫu đơn nguyên căn hộ khép kín được du nhập từ Liên Xô (cũ) vào nước ta. Việc nghiên cứu ứng dụng mô hình này đầu tiên vào nước ta dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô là tiểu khu Kim Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Mẫu nhà lắp ghép bằng tấm panen cũng được áp dụng song song với sự giúp đỡ của chuyên gia Công hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Các công trình lợi ích công cộng theo phân cấp như nhà trẻ - mẫu giáo, trường học, bệnh viện, cửa hàng… được quan tâm phát triển xây dựng. 
Các khu công nghiệp như công nghiệp nặng gang thép Thái Nguyên, công nghiệp nhẹ Việt Trì, công nghiệp hóa chất Bắc Giang, khu công nghiệp Thượng Đình, Minh Khai ở Hà Nội, khu Cửa Cấm ở Hải Phòng, than và nhiệt điện ở Quảng Ninh, khu Apatit Cam Đường ở Lào Cai… được hình thành và trở thành cơ sở quan trọng cho việc tạo lập, hình thành đô thị sau này mà thời ấy gọi là “cơ sở tạo thị”. 
Đô thị hóa phát triển theo chiều rộng với xu hướng chiến lược là xây dựng một mạng lưới đô thị trung bình và nhỏ đều khắp lãnh thổ đất nước, từ đồng bằng lên vùng trung du, miền núi để thực hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc, tạo cơ hội cho “miền núi đuổi kịp miền xuôi”. Việc quy hoạch sử dụng đất lúc đó dường như tránh sử dụng đất canh tác nông nghiệp. 

Sài Gòn trước 1975 (Ảnh Bảo tàng) 

Giai đoạn 1965 - 1975

Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ ngày càng leo tháng đánh phá miền Bắc, phá hoại hầu hết các tuyến giao thông huyết mạch, oanh kích hủy diệt các khu công nghiệp, nhiều khu dân cư ở hầu hết các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng…
Trong tình hình như vậy, có 2 nhiệm vụ chính được đặt ra: Một là: Mở rộng công tác quy hoạch xây dựng nông thôn (theo quy mô xã, hợp tác xã, vùng liên xã) để phục vụ hợp tác hóa và hoạch định bước đi nhanh lên sản xuất lớn; Hai là: Nghiên cứu phát triển Thủ đô Hà Nội lên Bắc sông Hồng. Theo đó có 2 phương án chính, một là dựa vào dãy núi Ba Vì và Trường Sơn, hai là dựa vào dãy núi Tam Đảo.
Trong bản di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết vào ngày 10/5/1969, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra hết sức ác liệt ở cả hai miền Nam - Bắc, Người viết: “Còn non, còn nước, còn người / Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”, đã thể hiện niềm tin tuyệt đối của Người vào ngày toàn thắng của đất nước ta, của dân tộc ta, đồng thời cũng đặt ra trọng trách cho ngành xây dựng, chuẩn bị lực lượng cho công tác khôi phục, cải tạo, xây dựng mới các công trình, các đô thị bị tàn phá trong thời kỳ hậu chiến. 
Cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc chống lại chiến tranh phá hoại của không lực Hoa Kỳ mà đỉnh cao là trận Điện Biên Phủ trên không (12/1972), đã buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. 
Ngày ấy, nhiều đoàn chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa đã sang Việt Nam giúp Bộ Xây dựng lập quy hoạch nhiều đô thị: Liên Xô giúp Thủ đô Hà Nội, Ba Lan giúp TP Hải Phòng, Công hòa dân chủ Đức giúp TP Vinh và xây dựng khu nhà ở Quang Trung, Rumani giúp TP Nam Định và thị xã Phủ Lý, Hungari giúp TP Hòn Gai - Bãi Cháy, Bungari giúp thị xã Thái Bình, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên giúp thị xã Bắc Giang, Cu Ba giúp thị xã Đồng Hới.
Ngoài ra còn có đoàn chuyên gia xây dựng của Đảng cộng sản Nhật do đồng chí KTS NoRoLara-Morikia làm trưởng đoàn đã giới thiệu những kinh nghiệm quy hoạch và xây dựng đô thị ở Nhật Bản và đóng góp những ý kiến quý báu về quy hoạch xây dựng và cải tạo Thủ đô Hà Nội. 

Huế (Nguồn: Internet) 

Giai đoạn 1976 - 1985

Đây là giai đoạn cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi thống nhất đất nước (1975). Khi ấy nước ta có hai hệ thống đô thị hoàn toàn khác nhau ở hai miền Nam, Bắc:
Đô thị miền Bắc đã qua một thời công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, nhưng bị đề quốc Mỹ đánh phá nặng nề, đặc biệt là cơ sở sản xuất và kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Nông thôn đã hợp tác hóa nông nghiệp, tạo ra những tiền đề cần thiết để tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. 
Các đô thị miền Nam chủ yếu hình thành và phát triển theo mô hình đô thị hành chính, quân sự trên cơ sở kết hợp xây dựng đô thị với việc bố phòng mạng lưới căn cứ đồn bốt và dịch vụ quân đội viễn chinh. Dân cư từ các vùng nông thôn đã đổ về một số thành phố lớn và tạo ra sự bùng nổ dân số đô thị.
Giai đoạn này miền Bắc nhanh chóng phục hồi các đô thị, các cơ sở công nghiệp và hạ tầng đô thị bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Các đô thị ở miền Nam chủ yếu là đô thị phi sản xuất, do hậu quả của chiến tranh để lại. Nhưng từ những năm 1980 trở đi, hệ thống đô thị toàn quốc đã dần hình thành, với các đô thị cấp quốc gia như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các đô thị trung tâm vùng và mạng lưới các thị trấn huyện lỵ.  

Sài Gòn sau năm 1975 (Ảnh:Zing.vn) 

Công trình thủy điện sông Đà (Ảnh Bảo tàng) 

Giai đoạn 1986 - 1995

Đại hội đảng toàn quốc lần thứ VI, năm 1986 với chính sách “Đổi mới” nhằm xóa bỏ bao cấp và đặt nền móng cho sự ra đời của nền kinh tế thị trường đã tạo điều kiện hội nhập với các nước trên thế giới, mở rộng cơ chế thị trường cho nhiều thành phần kinh tế hoạt động theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó cũng chính là những động lực cơ bản để công tác quy hoạch và phát triển đô thị tiếp tục đổi mới, vươn lên… 
Trước tình hình đó, nhu cầu đổi mới công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị đã được đặt ra. Những nội dung về đổi mới đã được đặt ra như: Vai trò của nền kinh tế kế hoạch tập trung sẽ tác động đến xây dựng đô thị như thế nào? Các thành phần kinh tế cá thế hay tư nhân tham gia xây dựng nhà ở và hạ tầng đô thị ở mức độ nào? Hành lang pháp lý cho công tác lập quy hoạch đô thị và xây dựng, phát triển đô thị ra sao?...
Trong hai ngày 3 - 4/12/1990, Hội nghị đô thị toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức tại Hà Nội, Hội nghị đã bàn nhiều vấn đề về đô thị. Trên cơ sở kết quả của Hội nghị này, ngày 22/1/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Chỉ thị số 19/CP về việc chấn chỉnh công tác quản lý đô thị, trong đó nêu ra 5 nhiệm vụ cấp bách là: Cần nhận thức rõ vị trí chiến lược và vai trò quan trọng của hệ thống đô thị; đổi mới công tác quy hoạch và tăng cường quản lý xây dựng đô thị; gấp rút bổ sung, sửa đổi và xây dựng mới các luật lệ và chính sách về xây dựng và quản lý đô thị; huy động mọi nguồn tài chính vào việc phát triển đô thị, xóa bỏ bao cấp tràn lan trong quản lý đô thị, nhưng phải đảm bảo các chính sách xã hội; tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch UBND các đô thị, củng cố và kiện toàn bộ phận quản lý xây dựng và lực lượng trật tự, quy tắc ở các đô thị.

Thành phố biển Nha Trang (Nguồn: Internet) 

TP Vũng Tàu (Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị)
Sau 5 năm (1990 - 1995) đô thị nước ta có bước phát triển mới khá mạnh mẽ, diễn ra tại hầu hết các đô thị, không phân lớn nhỏ, ở miền xuôi cũng như miền núi, ở ven biển cũng như trên biên giới đất liền. Nhiều điểm dân cư mới mang tính đô thị đã xuất hiện. Sự phát triển của đô thị thể hiện trên các mặt sau đây: Dân số đô thị tăng từ 12,74 triệu người (1989) lên gần 15 triệu người (1995). Khách vãng lai vào đô thị cũng tăng nhiều, kể cả khách du lịch trong nước và nước ngoài. Nhiều đô thị được nâng loại: số đô thị loại II từ 1 tăng thành 5, số đô thị loại III là 15, thêm 4 đô thị được chuyển cấp quản lý hành chính trở thành thành phố; công nghiệp và dịch vụ phát triển nên đô thị đã góp phần quan trọng trong việc tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của cả nước (chiếm xấp xỉ 40%); các đô thị bị tàn phá trong chiến tranh biên giới đã được xây dựng lại đàng hoàng hơn trước. Các đô thị được trở thành tỉnh lỵ của các tỉnh mới tách ra cũng phát triển nhanh chóng. 
Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm tăng cường quản lý đô thị: Luật đất đai sửa đổi năm 1993 đã đưa đất đô thị vào phân loại đất đai. Tiếp đó Chính phủ ban hành Nghị định số 88/CP (1994) về việc quản lý và sử dụng đất đô thị và Nghị định số 91/CP (1994) về Ban hành điều lệ quản lý quy hoạch đô thị. Pháp lệnh nhà ở (1991) đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc cải cách lĩnh vực nhà ở. Các nghị định số 60/CP và 61/CP (1994), trên cơ sở pháp lệnh đó và kinh nghiệm làm thí điểm ở một số đô thị đã triển khai việc cải cách nhà ở vào tất các các đô thị. Nghị định 118/CP đưa tiền nhà vào tiền lương, xóa bỏ khoản bao cấp cuối cùng đối với công nhân, viên chức Nhà nước… 
Chính phủ đã chính thức phê duyệt quy hoạch tổng thể của Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị quan trọng khác. Chính phủ cũng nhiều lần xem xét quy hoạch tổng thể các địa bàn kinh tế trọng điềm: phía Bắc (tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long), phía Nam (tam giác TP Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tầu) và miền Trung (Huế - Đà Nẵng - Dung Quất). Ngoài quy hoạch tổng thể (nay là quy hoạch chung) và quy hoạch chi tiết, nhiều đô thị đang làm quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch giao thông, quy hoạch cấp nước, thoát nước của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… 

TP Hạ Long (Ảnh: Báo TTTT) 

Giai đoạn 1995 - 2008

Năm 1995, Hội nghị đô thị toàn quốc lần thứ hai đã được tổ chức trong 3 ngày 25-27/7/1995 tại TP Hồ Chí Minh. Hội nghị đã bàn đến nhiều nội dung liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Có thể nói đây là giai đoạn bùng nổ trong xây dựng đô thị của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Nhiều địa phương đã nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, trong đó phải kể đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu… Quy hoạch các đô thị mới và các đô thị tỉnh lỵ mới được tách tỉnh như Vạn Tường - Dung Quất, Chu Lai - Kỳ Hà, Bắc Ninh, Hưng Yên, Gia Nghĩa… đã được triển khai thực hiện. Các quy hoạch vùng lãnh thổ quan trọng như: vùng Thủ đô Hà Nội, vùng biên giới phía Bắc, vùng duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng TP Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long… nhằm liên kết phát triển các đô thị trong vùng cũng đã được triển khai. 
Nếu như năm 1990 có rất ít đô thị được lập quy hoạch thì đến năm 1995 hầu hết các thành phố, thị xã đều đã có quy hoạch chung được duyệt. Đáng chú ý là phương pháp luận quy hoạch đô thị có sự đổi mới. Những quy hoạch mới thông qua đều được kèm theo điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch cho đô thị đó. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, nhiều đô thị đã lập quy hoạch chi tiết cho các khu vực cần phát triển. 
Nhiều văn bản pháp quy quan trọng như Luật Xây dựng, Nghị định về quy hoạch xây dựng, đánh giá tác động môi trường trong quy hoạch xây dựng đã được ban hành trong giai đoạn này. Ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa XI thông qua Luật Xây dựng. Trong luật Xây dựng có chương II về Quy hoạch xây dựng lần đầu tiên được ban hành, quy định về công tác quy hoạch xây dựng vùng, đô thị và nông thôn. Tiếp theo đó ngày 24/01/2005, Chính phủ ban hành nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng đánh dấu một bước ngoặt của thời kỳ luật hóa công tác quy hoạch xây dựng vùng, đô thị, nông thôn. 

TP Bắc Ninh (Ảnh: Bacninhtoancanh.com) 

Giai đoạn 2009 đến nay

Giai đoạn này các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị cơ bản đã được kiện toàn. Năm 2009 Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị; đây là lần đầu tiên Việt Nam có luật riêng về quy hoạch xây dựng. Tiếp đó Chính phủ ban hành Nghị định 42/CP về phân loại đô thị (2009) đã làm rõ hơn các tiêu chuẩn, tiêu chí về phân loại đô thị. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư 34/BXD (2009) nhằm cụ thể hóa trong Nghị định 42/CP. Năm 2014 Quốc hội thông qua Luật Xây dựng (sửa đổi), trong đó có chương II quy định về quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn. Một số văn bản pháp quy khác cũng lần lượt được ban hành như Nghị định 44/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng để hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng và Thông tư 12/2016/TT-BXD quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù. Gần đây Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1210/UBTVQH về phân loại đô thị (2016) đã góp phần luật hóa công tác phát triển đô thị ở nước ta. 
Các phương pháp luận mới về quy hoạch đô thị đã được các nhà quy hoạch đô thị Việt Nam tham khảo, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị trong nước như: Đô thị học cảnh quan, chiến lược phát triển đô thị, quy hoạch cấu trúc chiến lược, đô thị phát triển bền vững, đô thị xanh, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị chống chịu, đô thị tăng trưởng xanh... 
Năm 2017, hoạt động xây dựng tăng trưởng khá cao đạt 8,7%. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 37,5%, gần đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII (38-40%). Cả nước có 813 đô thị. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 77%, quy hoạch chi tiết đạt 38%; Quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 99,4%. Có thể nói sáu mươi năm qua, một chặng đường dài, dẫu rằng vẫn còn có những bất cập trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, song chúng ta ghi nhận trước công lao đóng góp của hàng triệu con người lao động, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà đầu tư, các nhà quy hoạch, người dân và bạn bè quốc tế đã nỗ lực không ngừng để chung tay cải tạo, xây dựng mới các đô thị Việt Nam ngày càng khang trang, hiện đại. 

Hà Nội trong đêm (Ảnh: Vũ Long) 

Hà Nội hôm nay (Ảnh: Zing.vn) 

Dinh Thống Nhất TP Hồ Chí Minh (Ảnh: MT) 

Thành phố Cảng Hải Phòng hôm nay (Ảnh: Duy Thính) 

TP Cần Thơ hôm nay (Nguồn: Internet)

Phú Quốc hôm nay (Ảnh: Hlphuquoc.com)

Đổi thay bên sông Sài Gòn (Ảnh: Sở QHKT TPHCM) 
Chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền kiến tạo và đầy sáng tạo, nhất định các đô thị của Việt Nam sẽ góp phần quan trọng trong công cuộc đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa, làm cho, đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét