Công trình nhà ở Châu Đốc không chỉ là sự cố gắng của kiến trúc sư để giữ lại nét kiến trúc đặc trưng của khu vực, mà còn mong muốn thỏa mãn sự phong phú trong tập quán sống của gia chủ, với căn nhà tràn ngập ánh sáng, cây xanh, thông thoáng tự nhiên, một không gian sống nhà – vườn hòa làm một.
Nằm ở vùng ngoại ô thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Việt Nam, công trình là nơi ở của ba gia đình có họ hàng với nhau. Ngân sách dành cho công trình khá hạn hẹp, tương đương với mặt bằng tiêu chuẩn và mức giá xây dựng của địa phương, phần nào hạn chế sự lựa chọn về mặt vật liệu và giải pháp kiến trúc.
Cách TP.HCM khoảng 7 tiếng di chuyển bằng xe khách đường dài và phà – Châu Đốc – thị xã sát biên giới Campuchia, có lịch sử hình thành và phát triển dọc theo một nhánh của sông Mekong. Với lớp cắt giả định ngang qua khu vực, dễ dàng nhận ra nhiều lớp cấu trúc đặc trưng của địa hình tự nhiên và kiến trúc bản địa. Lớp cắt đầu tiên là hàng trăm ngôi nhà nổi trên sông, lớp cắt thứ hai là những con đường tỉnh lộ được đắp cao, chạy dọc hai bờ sông. Lớp cắt thứ ba là những ngôi nhà chống cột nằm thưa thớt bên đường, nối với trục giao thông bằng những chiếc cầu riêng lẻ. Và lớp cuối cùng là màu xanh tuyệt đẹp của đồng lúa trải dài ngút tầm mắt.
Nhìn chung, những ngôi nhà ở đây mang một mô-típ kiến trúc với cột đá hoặc bê tông chống từ mặt đất, sau đó là hệ khung gỗ lơ lửng bên trên, và cuối cùng được bao bọc bởi lớp mái tôn mỏng nhẹ. Cột bê tông với chiều cao thấp chỉ vừa đủ nâng toàn bộ ngôi nhà tránh khỏi nước lụt, cùng với kích thước tối thiểu của hệ cột gỗ, và với lối sống ngồi bệt trên sàn, làm cho chúng tôi cảm nhận rất rõ về tỷ lệ tầm thước con người, cũng như những biểu cảm mềm mại của cuộc sống nơi đây.
Càng tìm hiểu sâu vào bối cảnh đời sống ở đây bao nhiêu, càng hiểu rõ những sự bất tiện từ tự nhiên mà người dân bản xứ phải đương đầu bấy nhiêu. Nhất là khi toàn bộ mặt đất trừ những con đường tỉnh lộ, đều ngập trong nước trong suốt 4-5 tháng mùa lũ hằng năm. Cho đến tận gần đây, bờ kè ngăn lũ mới được hoàn thành. Bất kỳ ai tới đây cũng có thể cảm nhận được sự thông minh của họ khi phải “sống chung với lũ”, phải sinh sống hòa thuận với Mẹ tự nhiên suốt chiều dài thời gian.
Tuy nhiên, sau khi nỗ lực ngăn cản dòng lũ hằng năm. Trớ trêu thay, người thiết kế nhận ra cuộc sống của người dân nơi đây lại càng trở nên bấp bênh và lộn xộn hơn trước. Một dẫn chứng rõ ràng là, gần như toàn bộ dân cư nơi đây phải bỏ hoang tầng trệt của họ, nơi đầy rác rưởi, thậm chí là chất thải của súc vật, gia cầm. Cùng với những yếu tố sẵn có như điều kiện nhà ẩm thấp, không có sự cách ly, cũng như những ô cửa sổ quá nhỏ không đủ thông thoáng, cuộc sống của họ rẽ sang hướng bất lợi. Nỗ lực ngăn dòng lũ, vô tình phá vỡ sự cân bằng trước đây, khi mà nước lũ có thể cuốn trôi toàn bộ rác thải, cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm nhiệt độ môi trường đến mức dễ chịu hơn.
Theo đó, người thiết kế hướng đến việc tận dụng nhiều nhất có thể, bối cảnh và điều kiện bản địa, bằng cách sử dụng vật liệu, sử dụng kỹ thuật làm mộc và phương pháp xây dựng địa phương. Và thêm vào đó là ba chủ ý kiến trúc, như sau:
1. Đảo hướng dốc truyền thống của mái thành dạng cánh bướm; với cao độ khác nhau, ba lớp mái hình cánh bướm xuyên suốt chiều dài công trình vừa tăng tối đa hiệu quả thông thoáng tự nhiên vừa tăng tính kết nối giữa không gian nội thất và bối cảnh bên ngoài.
2. Các hệ cửa tôn xoay được lắp đặt xen kẽ giữa từng hệ mái cánh bướm và từng diện đứng công trình cho khả năng cân chỉnh lưu lượng nắng gió vào nhà một cách linh hoạt.
3. Thay thế các tường ngăn chia phòng cố định thành các vách xoay tăng tính kết nối giữa các không gian nội thất, như một không gian lớn xuyên suốt và liên tục.
Ba chủ ý kiến trúc không ngoài mục tiêu hình thành không gian sống nửa trong nửa ngoài – nơi cây xanh, mặt nước, nắng, gió và đời sống con người hòa quyện. Cũng xuất phát từ bối cảnh đời sống, việc lưu giữ văn hóa sống và tinh thần kiến trúc vốn có của địa phương, là một chủ ý nữa cực kỳ quan trọng. Vài điểm có thể dễ dàng nhận thấy: tỷ lệ tầm thước con người, kết cấu khung gỗ cho nhà nổi trên hệ cột bê tông, vật liệu địa phương… Chính sự kế thừa và hòa hợp với những yếu tố sẵn có ấy của bản địa, sự hiện hữu của ngôi nhà dù với ngôn ngữ kiến trúc phần nào mới mẻ, hiện đại vẫn không bật ra khỏi bối cảnh đời sống và không gian kiến trúc của địa phương.
Trong guồng xoay quá nhanh của sự phát triển, hình thái “kiến-trúc-đô-thị-không-đặc-tính” đang dần lan rộng, ngay cả tới những vùng đô thị ven, thay đổi và loại bỏ dần đặc trưng riêng của kiến trúc địa phương, cảnh quan đô thị, và có khi cả văn hóa sống truyền thống. Dự án gần như là thông điệp gửi tới những người trẻ làm Kiến trúc, về sự cần thiết trăn trở cho một hình thức kiến trúc thay thế phù hợp trong bối cảnh đương đại nhưng kế thừa, mà không xóa nhòa những đặc trưng riêng, những giá trị tinh thần của kiến trúc và đời sống bản địa.
Kiến trúc sư: NISHIZAWAARCHITECTS
Vị trí: Thành phố Châu Đốc, Việt Nam
Kiến trúc sư phụ trách: Shunri Nishizawa, Nguyen Do Hong Quan, Luong Thanh Tung
Diện tích: 340,0m2
Dự án: Năm 2017
Hình ảnh: Oki Hiroyuki, NISHIZAWAARCHITECTS
Nhà thầu: Thợ mộc địa phương
Nguồn sưu tầm
0 Nhận xét